"Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn?", Xuân Diệu đã từng thốt lên như vậy ... Một chiếc lá rơi trong gió chiều, tiếng mưa đêm rả rích... cũng khiến cho những tâm hồn mới lớn cảm thấy ... buồn. Thế nhưng, bên cạnh những nỗi buồn đôi khi, vô cớ ấy, có những nỗi buồn thật sự bắt nguồn từ một câu chuyện trong quan hệ bạn bè, gia đình, nhà trường... mà nhiều khi, nếu không sớm biết cách thoát ra, nỗi buồn ấy sẽ dẫn đến con đường tiêu cực: chơi quên ngày tháng, bỏ nhà đi bụi, thậm chí tìm đến cái chết... Thật may mắn và phải chăng cũng hạnh phúc, trong những lá thư gởi về TCM, nhiều bạn sau khi kể về nỗi buồn của mình thì đoạn kết, bao giờ cũng chỉ ra một lối thoát, một phương cách mà chính bạn ấy đã tìm ra để vượt qua nó. Lẫn trong bao dòng chữ còn e dè, ngượng ngập, có thật nhiều những câu chuyện đáng để suy ngẫm...
Cuối năm 95, từ Long An lên Bình Dường tìm kiếm việc làm, Khiêm - bạn đọc ở Tân Uyên đã quen một bạn gái . Vội vàng, Khiêm cứ nghĩ cô ấy "cảm" mình. Nhưng đến sinh nhật của Khiêm, người ấy không nói lời nào, lại tỏ vẻ chẳng có gì phải quan tâm. Khiêm trách, người ấy đáp: "Anh không là gì của tôi ? Sao trách tôi ?". Thế là buồn đau, như một kẻ mất trí. Khiêm viết như thế. Có điều, sau hết những ngày buồn là Khiêm đã biết tự nghĩ: "Không lẽ ngồi than vãn hoài sao ? Buồn làm gì kia chứ!...". Khiêm lao vào công việc để quên đi . Dần dần, Khiêm đã nhận ra những tình cảm một thời gian của mình là bồng bột và con nít lắm!
Còn với Nguyễn Quý (Lớp 21A trường Trung học Kinh tế Kỹ thuật Quảng Ngãi), trong những ngày tháng đi nghĩa vụ quân sự, đã quen một người bạn gái . Chỉ là tình cảm mới lớn bình thường, nhưng vì không hiểu, bố của bạn gái ấy cấm hai người quen nhau . Buồn chán, sức khỏe Quý giảm sút trầm trọng, công tác đơn vị bỏ bê . Lúc ấy, Quý đã từng nghĩ đến việc đào ngũ về quê . Nhưng rất may, Quý đã nghĩ lại - dù sao phải cố gắng hoàn thành nghĩa vụ của người thanh niên. Chính sự nghĩ lại mạnh mẽ và đúng lúc ấy, Quý đã không rơi vào một sai lầm khác: đào ngũ. Giờ đây, Quý đang tiếp tục theo đuổi con đường học vấn sau khi xuất ngũ. Nỗi buồn ngày xưa đã trôi vào quên lãng. Trong đoạn kết lá thư gởi cho TCM, Quý viết: "Dù bất cứ hoàn cảnh nào, mình cũng phải vươn lên để vượt qua . Phải giữ vững ý chí của mình...". Cám ơn Quý đã viết như vậy bởi cuộc sống không có chỗ đứng cho những người hèn nhát, yếu đuối, trượt dài theo những buồn đau . Hãy nhìn vào sự việc bằng con mắt lạc quan, yêu đời . Trong những điều tưởng chừng bi đát, luôn ẩn chứa những yếu tố tích cực.
Nằm trong một quan hệ khác, nỗi buồn của bạn Lê Duy Bình phát xuất từ phía gia đình. Là con riêng của má, bạn luôn phải đối đầu với những mâu thuẫn xảy ra trong gia đình. Nhà nghèo, sau khi tốt nghiệp xong, bạn đã đi làm công nhân đào đường để kiếm tiền vào đại học. Ban ngày đi làm, ban đêm luyện thi vào trường đại học kinh tế. Gần đến ngày thi, Bình nghỉ làm để tập trung hơn vào việc học. Thế là, ngay lập tức, ông bố dượng cằn nhằn, gây gổ, không phải với Bình mà với má. Một bên thương má, Bình muốn nghỉ học đi làm, một bên ao ước được bước vào giảng đường đại học. Sự lựa chọn ấy luồn giằng xé trong tâm hồn khiến Bình buồn nhiều . Có rất nhiều bạn, nhưng Bình lại không muốn tâm sự với bất cứ ai . Và Bình đã làm gì? Kết thúc lá thư, Bình không đưa ra hướng giải quyết, chỉ viết: "Khi viết ra được những dòng chữ này, có lẽ mình đã vơi đi được chút ít đau buồn".
... Khi gặp chuyện buồn, bạn hãy làm một việc gì đó, đơn giản như: xem phim hài, đạp xe vòng vòng, nghe nhạc... rồi mới tính đến chuyện tháo gỡ. Nhiều bạn, lúc buồn không thích tiếp xúc với ai, chỉ ngồi một mình gặm nhấm nỗi buồn. Suy nghĩ nối tiếp suy nghĩ, để rồi cuối cùng chỉ nghĩ quẩn mà không giải quyết được gì. Đừng bao giờ quan trọng hóa vấn đề. Bởi theo các nhà tâm lý, buồn là hiện tượng tâm lý bình thường trong lứa tuổi mới lớn. Khi biết buồn, biết đau khổ, nghĩa là bạn đang hướng đến một niềm vui, niềm hạnh phúc. Hãy mở lòng mình ra, tham gia vào các hoạt động sinh hoạt vui chơi tập thể, tâm sự với người thân hoặ c một người bạn tin cậy, thậm chí tìm đến nói chuyện với nhà tâm lý... bạn sẽ tìm thấy niềm vui sống. Đừng buồn vì cuộc sống đối xử với mình không đẹp mà hãy làm cuộc sống tốt đẹp hơn vì khát vọng sống của mình... Khi sắp kết thúc những dòng chữ này, bỗng thấy một lá thư còn sót lại . Trong lá thư đó, bạn N.V.N (lớp 10A1 trường PTTH chuyên ban Tân Trào) "kêu cứu": "N. xa một người bạn gái quen từ hồi học cấp hai, N. đã viết thư cho bạn ấy 5 lần rồi mà vẫn chưa nhận được hồi âm. Buồn chán, tuyệt vọng, N. nhờ TCM chỉ ra cách thoát khỏi nỗi buồn vì chỉ còn vài ngày nữa là thi tốt nghiệp rồi!". Một nỗi buồn đơn giản, phải không các bạn? Bởi nếu đọc những câu chuyện trên, chắc N. đã tìm được lời giải đáp...